Bệnh bạch hầu lây qua những đường nào?
Bệnh bạch hầu có khả năng lan truyền từ người này sang người khác thông qua các giọt bắn nhỏ ho, hắt hơn, thậm chí là nói chuyện,…Bệnh cũng có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét hoặc các vết thương hở đã bị nhiễm khuẩn.
Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh bao gồm các thành viên trong gia đình của người bệnh, những người tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân và những người thường xuyên gần gũi với người bị nhiễm.
Nguồn lây chính của bệnh bạch hầu là những bệnh nhân đã nhiễm bệnh và cả những người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Bệnh chủ yếu lan qua đường hô hấp, thông qua việc hít phải các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc chạm vào các đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh hoặc qua tiếp xúc với các vùng da bị tổn thương do vi khuẩn bạch hầu.
Thể bệnh phổ biến nhất của bạch hầu là ở hệ hô hấp (bao gồm mũi, họng, thanh quản và khí phế quản), trong đó 70% các trường hợp là bạch hầu họng.
Đặc điểm nhận biết của bệnh bạch hầu
Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể xuất hiện ở các khu vực như tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện trên da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Bạch hầu là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra.
Quan trọng là phải phân biệt bạch hầu với các bệnh khác có triệu chứng tương tự như viêm họng giả mạc mủ hoặc viêm amidan có hốc mủ.
Mối nguy hiểm của bệnh bạch hầu có thể bạn chưa biết?
– Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm, thường bắt đầu với các triệu chứng nhẹ như sốt, mệt mỏi và sưng hạch cổ sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày.
– Ban đầu, bệnh có thể bị nhầm lẫn với các chứng đau họng thông thường khi chưa xuất hiện màng giả ở vùng mũi họng, dẫn đến nguy cơ biến chứng do độc tố vi khuẩn.
– Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra ngoại độc tố, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thận, hệ thần kinh trung ương và tim nếu không được điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong dao động từ 5-10% trong tổng số ca mắc bệnh, có thể tăng lên đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Các biến chứng của bệnh bạch hầu
Biến chứng của bệnh bạch hầu chủ yếu là do độc tố vi khuẩn gây ra. Những biến chứng thường gặp bao gồm:
Viêm cơ tim
– Có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc vài tuần sau khi bệnh đã khỏi.
– Nếu xuất hiện sớm trong giai đoạn đầu, tiên lượng thường xấu với tỷ lệ tử vong cao.
Viêm dây thần kinh
– Thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và có khả năng hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong do biến chứng khác.
– Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh.
– Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm, gây ra viêm phổi và suy hô hấp.
Khó nuốt và khó thở
– Nhiều trẻ bị bệnh nặng biểu hiện da xanh, nhịp tim rối loạn và liệt thần kinh.
– Tắc nghẽn đường hô hấp có thể dẫn đến tử vong trong vòng từ 6-10 ngày.
Viêm kết mạc mắt và suy hô hấp
– Các biến chứng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh.
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Để phòng tránh bệnh bạch hầu nên thực hiện các biện pháp:
– Đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine
– Cần duy trì vệ sinh cá nhân tốt bằng cách thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, và làm sạch mũi họng hàng ngày. Đảm bảo rằng nhà ở, nhà trẻ, và lớp học luôn thông thoáng, sạch sẽ,…
– Người dân trong khu vực có dịch cần tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc phòng ngừa và tiêm vaccine theo chỉ dẫn và yêu cầu của các cơ quan y tế.
Xem thêm bài viết khác: